Nhận định Khương Duy

Khương Duy xuất thân là tướng nước Ngụy nhưng gần như cả cuộc đời ông phục vụ nước Thục. Gia Cát Lượng đã nhìn nhận đúng về lòng trung thành với nhà Hán của Khương Duy ngay trong thời gian đầu.

Khương Duy có tài kiêm văn võ, có chí lập công danh, cả đời ông sống cần cù tiết kiệm – giống như phong cách của Gia Cát Lượng. Người đồng liêu của ông là Khước Chính – đã theo Hậu chủ Lưu Thiện sang hàng Ngụy - có nhân định về ông như sau:

"Khương Bá Ước nắm quyền thượng tướng, dưới một người trên vạn người, vậy mà nhà cửa ông lại sơ sài cũ nát, trong nhà cũng không có vật gì quý giá. Ông không có vợ bé, không có thê thiếp thân cận, hậu đường không có đàn sáo hát ca, quần áo chỉ cần đủ mặc, xe ngựa chỉ cần chỉnh tề, không hề có yêu cầu cao xa gì. Việc ăn uống của ông cũng rất hạn chế, không thừa không thiếu là được. Triều đình cung cấp vật dụng tiền nong cho ông, ông liền phân phát hết... Mọi người cho rằng Khương Duy đầu hàng hai nơi, mình thì bị giết, tông tộc bị diệt, vì vậy chỉ trích ông mà không suy xét các mặt khác của ông. Đó chính là theo nghĩa "khen chê" của Kinh Xuân Thu mà nêu cao. Con người Khương Duy học không biết mỏi, tiết kiệm hết mình, thật đáng cho muôn đời học tập"[10].

Bàn về cái chết của ông, đời sau có cách nhìn nhận khác nhau. Tôn Thịnh tỏ ý bài bác, cho rằng Khương Duy là bất trung, bất nghĩa[5], và có thêm nhận xét:

Tiến không được, lùi không thống lĩnh được chư tướng, không bảo vệ được vua Thục, kế sách xây dựng đất nước đi ngược với thời thế, làm nước hèn yếu[11].

Các sử gia Trung Quốc hiện đại coi nhận định của Tôn Thịnh là hoàn toàn sai lầm. Khương Duy phải sang hàng Thục vì bị ngăn đường về nhà, buộc phải đầu hàng nước địch, không thể coi là bất nghĩa; nước mất nhưng không chết theo ngay, một là vì vâng lệnh Hậu chủ Lưu Thiện, hai là vì mưu kế khôi phục, không thể nói là ông không trung[5].

Bùi Tùng Chi có ý kiến khác về cái chết của ông:

Lúc đó Chung Hội đã đến Kiếm Các, Khương Duy và các tướng chống trả quyết liệt... Hội không có cách nào tiến, đã chuẩn bị lui quân, thiếu chút nữa thì Khương Duy lập được đại công bảo vệ nước Thục. Không ngờ Đặng Ngải ngầm đi đường Âm Bình,... Thành Đô tự vỡ… Nếu Khương Duy về chi viện cho Thành Đô, Chung Hội sẽ tập kích đằng sau. Vì vậy nếu trách Khương Duy không bảo vệ được Thục chủ, thật là làm khó cho người… Sau đó Chung Hội… mưu làm việc lớn, giao binh lính cho Khương Duy, dùng ông làm tiền khu. Nếu sự việc không bị vỡ lở, việc ấy thành công… thì khôi phục lại Thục Hán đâu phải chuyện khó... Ta không nên vì sự việc không tiến triển như dự kiến mà cho rằng mưu Khương Duy không tốt. Thử nghĩ, nếu xưa kia Điền Đan định kế xong nhưng cơ hội không tốt mà không thành công thì lẽ nào lại nói Điền Đan ngu xuẩn, đần độn hay sao?[12].Khước Chính luận như thế [về Khương Duy], ấy mới thật đáng khen, chẳng thể bảo rằng Duy trước sau làm việc đều được chuẩn mực cả. Nói rằng “nghi biểu một thời”, ấy là chỉ ở việc hiếu học và thanh bạch thôi vậy. Nguyên uỷ truyện này [Tam quốc chí] và sách Nguỵ lược đều nói rằng Duy vốn không có ý phản bội, chỉ vì bị bức bách mới phải theo về Thục. Tôn Thịnh lấy điều ấy để chê trách, nghĩ rằng chỉ nên trách Duy đã trái lời mẹ già. Thế đã là quá lắm rồi, sao lại còn chê trách cả Khước Chính vậy.[13]

Các sử gia Trung Quốc coi những ý kiến của Bùi Tùng Chi và Khước Chính về ông là "tận tình tận lý, đủ thuyết phục người"[12]. Cái chết của ông được cảm thán là "rất đáng tiếc, rất đáng thương"[5].